PHONG THỦY CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TÔN GIÁO VÀ TÂM LINH KHÔNG?
Hiện nay đa số chúng ta vẫn nhập nhằng giữa Phong thủy với tôn giáo và tâm linh, không ít người vẫn cho rằng Phong thủy bao gồm cả tín ngưỡng tâm linh và liên quan đến tôn giáo trong đó và thường vin vào câu nói “có thờ có thiêng có kiêng có lành” để tự an ủi mình rồi chậc lưỡi cho qua khi đụng tới vấn đề này. Chính vì sự nhập nhằng này mà khiến cho Phong thủy bao đời nay vẫn trong bức màn huyền bí thậm chí bị gán cho hai chữ mê tín hoặc tín ngưỡng. Tôi không phủ nhận tín ngưỡng tâm linh hay tôn giáo, bài viết này chỉ muốn làm sáng tỏ hơn vấn đề về sự liên quan giữa phong thủy với tâm linh và tôn giáo để các bạn có thêm cái nhìn khách quan mà tránh được những hệ lụy không đáng có như bị thầy bà dọa dẫm, lừa gạt.
Tâm linh tạm gọi là những hiện tượng kỳ bí, nằm ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của con người như ngoại cảm, thần giao cách cảm, lên đồng, ma nhập, mộng du, bóng đè, thôi miên, chữa bệnh bằng tâm linh,… mà khoa học chưa khám phá, giải thích và chứng minh được (nguồn: https://vi.wikipedia.org).
Như đã định nghĩa ở bài một “Phong thủy là bộ môn nghiên cứu, ứng dụng quy luật vũ trụ, tự nhiên vào đời sống con người mà trường tương tác chính là Khí” tức là các quy luật khách quan tự nhiên, cụ thể là sự tác động của môi trường sống, tự nhiên, vũ trụ lên cuộc sống con người. Qua đó cho thấy hai lĩnh vực này không thể lẫn lộn với nhau, mặc dù có thể dùng Phong thủy để giải thích nhiều hiện tượng tâm linh. Nhưng vì cũng như Tâm linh, Phong thủy đều chưa được giải thích, chứng minh bằng khoa học (dù nó thỏa mãn tiêu chí cho một lý thuyết khoa học như đã nói ở bài số 2) nên xưa nay vẫn bị coi là mê tín và hai lĩnh vực này đều tồn tại đồng thời trong cuộc sống con người nên người ta hay ngộ nhận rằng tín ngưỡng tâm linh với Phong thủy cùng là một.
Phong thủy phản ánh quy luật tự nhiên khách quan, đã là khách quan thì nó không phụ thuộc vào ý chí của đấng hay cá nhân, tôn giáo nào cả, trời mưa (quy luật khách quan) thì dù người theo đạo Phật, người theo đạo Chúa người không theo đạo nào, người tin phong thủy hay người không tin khi đứng dưới trời mưa thì ướt như nhau cả không có chuyện ngoại lệ, nhưng anh biết Phong thủy tức hiểu được quy luật của tự nhiên khách quan thì có thể giảm thiểu cái xấu do quy luật khách quan mang lại giống như anh biết xem thời tiết nên mang áo mưa đi đề phòng, khi mưa sẽ đỡ ướt hơn mấy anh kia.
Cũng đừng ai mang luật nhân quả ra mà cho rằng chỉ cần sống nhân đức thì không sợ phong thủy xấu, vì anh không phải là thánh nhân nên khi anh còn sống dưới gầm trời này, anh còn ăn cơm uống nước, tâm còn tham sân si thì vẫn chịu sự chi phối của quy luật khách quan như thường, ngay cả Đức Phật cũng thị hiện bệnh, khổ, chết ở đời. Hay đến những vị chân tu như Hòa Thượng Hư Vân hay Sư Bà Hải Triều Âm còn nhờ đến Phong thủy mà chọn nơi xây chùa cất am làm nơi tu tập. Nên những người bình thường như chúng ta khi chưa hiểu bản chất thì đừng vội đánh đồng Phong thủy với tâm linh, tín ngưỡng cho nó là mê tín rồi phủ nhận nó vì phủ nhận nó thì cũng như phủ nhận thế giới tự nhiên, khách quan đang hiện hữu vậy, mặc dù sống là phải đề cao chữ Thiện, đề cao việc tu nhân tích đức nhưng chúng ta cần một sự rạch ròi nhất định để phân định rõ ràng Phong thủy là phong thủy, tâm linh là tâm linh, tín ngưỡng là tín ngưỡng, tôn giáo là tôn giáo.
Hiện nay tôi nhận thấy rằng một số vấn đề sau hay bị lầm lẫn với Phong thủy:
– Thờ cúng là tín ngưỡng không phải là phong thủy
– Bùa chú, lên đồng, ma nhập là tâm linh không thuộc phong thủy
– Vong, ma ở đất, thủy thần ở giếng, sơn thần trên núi…là tâm linh không phải là phong thủy
– Đốt vàng mã, quan niệm tháng 7 âm, tục thờ thần tài thổ địa là tín ngưỡng không phải phong thủy.
– Bài trí vật dụng thờ cúng trên ban thờ như thế nào, vật dụng gì đừng quá rườm rà phức tạp như nhiều thầy bà bày vẽ, quan trọng cần tôn nghiêm, sạch sẽ, gọn gàng, đơn giản.
– Động long mạch mà thầy bà và cô đồng bóng cậu hay phán về đất ở nhà mình là chưa đúng. Nhà, đất ở chỉ có trạch đất, trạch nhà và không phải hình thức xâm phạm nào cũng gọi là động, đứt trạch để mà phải cúng, phải trấn trạch.
………vv…………
Tiến Lưu