BỎ TẾT NÊN HAY KHÔNG?
Gộp Tết ta vào Tết tây cũng chẳng khác gì bỏ Tết ta vì đã mất đi ý nghĩa, biểu tượng của nó.
Bài viết này sẽ chỉ ra cái tư duy thiển cận của đám tây không ra tây ta không ra ta mới mon men bên bờ văn minh mà ngỡ như mình tân tiến đó.
Tính quy luật:
Mỗi vùng địa lý khác nhau trên địa cầu sẽ chịu sự ảnh hưởng khác nhau của khí hậu, tự nhiên, do đó mỗi vùng miền địa lý sẽ sinh ra tính cách, tâm hồn, thể chất, hình dáng con người đặc trưng. Con người nương vào tự nhiên mà tồn tại nên môi trường tự nhiên ra sao thì phương thức sản xuất, tập tục sống như thế đó. Phương Tây địa hình cao ráo bằng phẳng, âm dương đều vượng, khí lạnh thì con người cũng to khỏe, ưa vận động, di chuyển; phương Đông địa hình lồi lõm bị chia cắt nhiều do đồi núi sông ngòi đầm phá nhiều thì đời sống con người ưa tĩnh, quần tụ, phương thức sản xuất tập trung, thể chất hình dáng con người cũng nhỏ bé hơn phương Tây. Do đó đời sống tinh thần, tập tục, truyền thống cũng khác nhau tương ứng phù hợp với địa lý vùng miền đó. Nên không phải tự nhiên mà phương Đông có Tết cổ truyền, phương Tây có Tết dương lịch, giáng sinh, hơn nữa đã tồn tại hàng ngàn năm thì càng khẳng định tính quy luật khách quan. Hơn nữa Tết tây và Tết ta theo hai hệ thống lịch pháp khác nhau, mỗi hệ thống lịch pháp phản ánh thực tại khách quan khác nhau. Thời khắc giao thừa theo Tết tây ở nước ta sẽ chẳng bao giờ thiêng liêng như Tết âm được. Cỏ cây hoa lá đất trời, tự nhiên dịp Tết tây sẽ chẳng giống thời điểm Tết ta được, chưa nói thời vụ gieo trồng, canh tác và các phong tục tập quán kèm theo khác cũng vậy.
Tầm quan trọng:
Đất nước ta, trải dài hàng ngàn năm với lịch sử dựng giữ nước oai hùng khi liên tiếp chịu sự đàn áp đô hộ của các thế lực Tây Tàu, có lẽ điều quan trọng giúp đất nước ta không bị Hán hóa hay thành thuộc địa chính là truyền thống yêu nước, yêu quê hương, cội nguồn được giữ gìn xuyên suốt chiều dài lịch sử mà Tết cổ truyền, lễ hội, thần thoại chính là những yếu tố giúp dân tộc ta giữ gìn duy trì cái hồn, cái truyền thống đó hàng ngàn năm qua.
Vì chiến tranh liên miên mà đất nước ta có xuất pháp điểm thấp, vì địa hình chia cắt mà có đặc tính vùng miền cao, vì đa dân tộc mà nhân tâm khó thống nhất, huống gì đất nước ta lại không có một tôn giáo chủ đạo nào nên việc thống nhất, quy tụ lòng dân lại càng khó, không phải tự nhiên mà Hồ Chủ Tịch lại đặt vấn đề “đại đoàn kết dân tộc” lên hàng đầu trong việc sống còn của đất nước. Sợi dây kết nối dân tộc chính là “truyền thống được giữ gìn qua phong tục, lễ hội đặc biệt là Tết cổ truyền”, bởi Tết là dịp để mỗi người con dân Việt nam hướng về quê hương về cội nguồn về họ mạc, gia đình sau một năm bươn chải làm ăn lao động, chính nhờ đây mà chúng ta không quên cội nguồn, nhờ đây mà tình yêu quê hương đất nước yêu gia đình được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhờ đây mà tính gắn kết cộng đồng được nâng cao, nhờ đây mà tâm hồn bao thế hệ được nuôi dưỡng, nếu để mất đi sợi dây này thì xung đột tôn giáo, vùng miền chắc chắn sẽ xảy ra và nội chiến sẽ lại diễn ra như thời Trịnh Nguyễn giao tranh, đất nước sẽ lại suy yếu và dễ bị ngoại bang xâm chiếm. Đây chính là tầm nhìn hàng trăm hàng ngàn năm chứ không phải chỉ vì năng suất kinh tế được tạo ra nếu không nghỉ 9 ngày Tết ngắn ngủi. Khi nước ta chưa giàu mạnh, khi chưa có tôn giáo chủ đạo để đoàn kết nhân tâm thì đừng có học đòi theo các nước giàu có khác. Mỹ nó giàu có văn minh vậy mà vẫn sùng đạo với Kito giáo làm chủ đạo, Trung quốc thì tam giáo,Nhật thì thần đạo, người Do Thái thì Do thái giáo làm chủ đạo đó là chưa nói các nước đó cũng có lễ, hội, Tết riêng.
Nếu đưa năng suất kinh tế mấy ngày Tết ra mà làm điều kiện cho sự phát triển của Đất nước thì sao Trung quốc, Đài Loan, Singapo, Hàn Quốc … nó cũng ăn Tết như mình mà phát triển thế, nếu nói gộp Tết ta vào Tết tây để hòa nhập cùng thế giới thì sao lại còn tồn tại đất nước riêng chủ quyền riêng, dân tộc riêng sao ko đi xin sát nhập luôn với các nước khác để gọi là hòa nhập thế giới luôn đi. Bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn, anh em trong nhà còn khác nhau về tính cách tâm hồn thì đừng bao giờ nói hòa nhập đúng nghĩa. Nên nhớ trên quả địa cầu này không bao giờ có dân chủ, có bình đẳng thực sự cả do đó phải giữ lấy cái hồn cái truyền thống để mà tồn tại nếu không muốn đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Đó là chưa nói dịp Tết tuy ngành sản xuất giảm nhịp độ nhưng ngành thương mại, dịch vụ lại là cao điểm, cái này giảm thì có cái kia cao lên bù vào chứ có phải nghỉ Tết là hết ăn đâu mà lo.
Con người tồn tại ngoài thể chất thì còn có tinh thần, có cái bỏ vào miệng thì phải có cái để mà nuôi dưỡng tâm hồn, giải tỏa bế tắc, áp lực. Làm lụng, lao động cả năm thì phải có dịp để con người hưởng thụ, nghỉ ngơi, gắn kết tinh thần, cộng đồng với nhau. Nếu làm mà không giải tỏa thì sẽ bế rồi nói sao tỷ lệ trầm cảm, tự tử không cao chóng mặt, nhìn sang Nhật Bản thì thấy rõ thôi.
Nói tóm lại, những người đề xướng hô hào bỏ Tết, gộp Tết đều mang tầm nhìn hạn hẹp, kinh tế ngắn hạn và vị kỷ cá nhân cao mà không thấy được tầm quan trọng cốt lõi của Tết cổ truyền gắn liền với sự tồn vong của cả dân tộc, nó không đơn giản chỉ là mấy ngày Tết mà nó còn là tâm hồn của cả Dân tộc được giữ gìn vun đắp qua hàng ngàn năm.
Kinh tế kém thì phấn đấu vài thập niên sẽ phát triển, văn hóa yếu thì phải mất hàng trăm hàng ngàn năm mới hình thành nên được bản sắc, có trong tay một nét đẹp truyền thống bốn năm ngàn năm mà xóa bỏ nó đi thì đúng là không điên khùng cũng mang âm mưu diệt tộc, không chỉ có lỗi với Cha Ông bao đời mà còn là tội đồ của ngàn thế hệ con cháu về sau.
Tiến Lưu