{"autoplay":"true","autoplay_speed":"3000","speed":"300","arrows":"true","dots":"true","rtl":"false"}

PHONG THỦY ĐẠI VIỆT

A. Hình thành
Tổ Sơn bắt nguồn từ Thanh Hải, Thiếu Tổ Sơn nằm ở Tây Tạng, Tứ Xuyên, hành Long trùng trùng điệp điệp đi qua Vân Nam Trung Quốc rồi đi xuống Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang của nước ta, cùng với hành Long là sông Kim Sa-Lệ Xã-Hồng Hà sau khi đến Lào Cai thì là sông Hồng, sông Hồng khi đến Phú Thọ thì cùng với sông Đà, sông Lô hội lại ở Việt Trì, từ đây hai nhánh Long Hổ cũng phân ra và hình thành tức là Long đình Khí chỉ thủy tụ để hình thành nên huyệt trường kéo từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc xuống và kết huyệt ở Thăng Long Hà nội. Đây là một đại huyệt lớn với nội minh đường là vùng đồng bằng Bắc bộ (Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định). Nội sa là các gò, đống giáp biển. Ngoại minh đường là Vịnh Bắc Bộ với ngoại Sa là đảo Hải Nam và các đảo nhỏ trong Vịnh Bắc Bộ. Nhiều người nói Ba Vì là Huyền Vũ nhưng tôi cho rằng không phải vì sau khi sơn-thủy giao hội ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ thì là lúc Long đình Khí chỉ rồi để tạo nên huyệt trường từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc xuống Hà Nội lúc này thì Ba Vì đã nằm về phía dưới bên Bạch Hổ nên không thể gọi Ba Vì là Huyền Vũ được. Nên Huyền Vũ là những ngọn núi ở Sông Lô Vĩnh Phúc hay dãy Tam Đảo là nơi rót khí mạch vào huyệt chủ Thăng Long cũng có thể gọi là Huyền Vũ, chỉ có điều Huyền Vũ ở khá xa Huyệt chủ và không được cao dày, âu cũng là sự hợp lý với một đại Long Mạch đồ sộ như vậy, đây cũng là điều tạo nên tính tự cường của người dân Việt từ muôn đời nay để rồi hình thành trong ý thức hệ bao đời về tính độc lập với phương Bắc, có thể hướng về phương Bắc nhưng không chịu khuất phục phương Bắc. Sau khi Long đình Khí chỉ Thủy tụ ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc thì Thanh Long là nhánh Long tiếp tục từ Hà Giang xuống Bắc Kạn, Lạng Sơn xuống Quảng Ninh thì hồi đầu lại ta gọi là nghịch long chầu về Hà Nội. Bạch Hổ tiếp tục từ Yên Bái xuống Hòa Bình rồi xuống Bỉm Sơn, Tam Điệp hình thành tầng Hổ thứ nhất, rồi hình thành tầng Hổ thứ 2 là vùng núi phía Tây Nam Thanh Hóa là Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Nghi Sơn giáp với Bắc Nghệ An, đáng nói là giữa tầng Hổ thứ nhất và thứ hai lại kết một huyệt thứ nữa ở Thanh Hóa, huyệt này là đại huyệt Phụ từ chi Bạch Hổ của huyệt chính Thăng Long. Từ Nghệ An tiếp tục là những tầng Hổ khác đi vào Nam mà ngay giữa tỉnh Nghệ an có một mạch núi quay ngang gọi là hoành Long là một điều thú vị nói lên vị thế vùng đất và con người Nghệ an sẽ được nói đến ở một bài khác.

Như vậy sau khi Khởi tổ từ những vùng cao với khí mạch thô sát ở Trung Quốc qua khoảng 12000km thì kết huyệt ở Thăng Long, lúc này mạch khí đã bác hoán đi nhiều nên không còn thô sát nữa mà trở nên thanh thuần để hình thành nên đại huyệt độc đáo hiếm thấy trên thế giới, xứng đáng là huyệt đế Vương nghìn đời hiếm gặp, nhìn tổng thể thì đây là Oa huyệt biến thể thuộc kiểu mạch phát Dương (dương cơ so với âm phần) do khi nhập thủ thì mạch đi thẳng rồi đến chỗ kết phát chứ không “thắt lại” rồi mới kết, với đại huyệt quý này thì việc đặt Kinh Đô ở Thăng Long của Vua Lý Công Uẩn xứng đáng là sự lựa chọn thiên tài, vượt thời đại khi mà ở thời đó chỉ dựa vào sự quan sát bằng mắt thường cộng với trực giác nhạy bén chứ không có những công cụ, phương tiện hiện đại như ngày nay để dễ dàng quan sát. Dù đã trải qua biết bao cuộc bể dâu và từ nay cho đến sau này kinh qua bao sự thay đổi thì quyết định dời đô của Ngài vẫn là cái gì đó siêu việt, vượt thời gian kinh thời đại khiến hậu thế chúng ta vạn phần khâm phục.
”… ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.”  –chiếu dời đô-Lý Công Uẩn-

 

B. Tính chất Đại huyệt
Huyệt trường là khu vực từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc kéo xuống Hà Nội, Thăng Long chỉ là nơi kết huyệt, Minh đường là vùng đồng bằng Bắc bộ, còn nói đến đại huyệt thì phải nói toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam ta, khi nói Thăng Long tức là nói trung tâm kết huyệt cũng là tên đại diện cho đại huyệt. Huyệt Thăng Long có những đặc điểm:
1. Khí chất thanh thuần và sâu dày
2. Huyền Vũ xa và không được cao dày
3. Nhiều tầng Long Hổ
4. Long vượng hơn Hổ và quay đầu
5. Minh đường rộng lớn bằng phẳng nhưng không tụ thủy
6. Nhiều sa hình Mộc xung quanh huyệt
7. Ngoại minh đường đẹp, rộng lớn

Thời gian tính hàng triệu, không gian sông núi trùng trùng, Thăng Long là nơi kết tinh tinh túy đất trời như hoa thơm trái ngọt, là nơi khí chất đã thanh lại thuần với nguồn khí mạch nuôi dưỡng dồi dào, đừng nói ngàn đời mà đến vạn đại Thăng Long vẫn luôn luôn là huyệt quý để định đô. Vì thanh thuần nên người dân Thăng Long xưa nay nổi tiếng thanh lịch: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Do đó nói “khí chất thanh thuần và sâu dày”.
Bẩm thụ khí chất đó (1) khi sinh ra giữa đất trời nhưng thiếu đi chỗ dựa dẫm (2) buộc ta phải tự cường, tự lập do huyền Vũ xa và không cao dày đã hình thành nên trong tâm thức bao đời dân Việt về tính tự cường không bao giờ chịu khuất phục phương Bắc, dù nguồn gốc mạch khí từ phương Bắc, dù phương Bắc có ngàn năm đô hộ dù có cố gắng đồng hóa thì cũng chỉ là gà cãi nước sôi không sao thắng được sức mạnh của linh khí đất Việt. Từ trước đến nay và mãi sau này dù trải qua những triều đại nào thì trong tâm thức người lãnh tụ và nhân dân vẫn luôn tồn tại ý thức độc lập tự cường đó. Để rồi biết bao nhiêu kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới đến xâm lược đều đại bại, bởi vì có thêm (3), khi mà đại huyệt có nhiều tầng Long Hổ, ngoài huyệt chính Thăng Long còn vô số bàng huyệt kết ở minh đường, ở hai bên tay Long Hổ để rồi đời đời nay dù là thời đại nào thì non sông đất Việt vẫn luôn xuất sinh nhiều anh hùng, nhân tài cho đất nước, cái hay là hầu như Long Hổ đều chầu về Thăng Long nên khi đất nước gặp cơn nguy nan, một lời hiệu triệu từ Thăng Long thì muôn lời ứng thưa, đồng thanh chung chí đánh đuổi kẻ thù. Chính vì thế mà ngày xưa họ Cao tên Biền mới dày công tìm huyệt để phá đi, chỉ riêng các tỉnh miền Bắc hắn ta đã tìm ra 632 huyệt và 1517 bàng huyệt của các huyệt này đó là chưa tính nhiều huyệt mà hắn chưa tìm ra. Thăng Long như minh chủ với vô số quần thần chầu hội xung quanh, văn quan võ tướng không đời nào thiếu, nhiều bậc trong đó là nhân tài danh tiếng lẫy lừng, nhất là vào thời chiến không chỉ xuất hiện nhiều nhà lãnh đạo tài ba, nhiều viên tướng anh hùng mà ngay cả dân, quân ai ai cũng rất thiện chiến, can trường đánh đuổi được bao nhiêu là kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới trải dài theo chiều dài lịch sử. Đó chính là ưu điểm rất hay của Long Hổ nước ta, đặc điểm này phát huy rất mạnh vào thời chiến nhưng khi vào thời bình thì do Long Hổ to quá nên sinh ra trì trệ, ù lì, vìLong Hổ phân nhiều tầng, kết nhiều huyệt bàng và Bạch Hổ càng đi vào càng quay đầu (4) nên tính phân biệt vùng miền cao, tinh thần dòng họ lớn mà thiếu đi sự thống nhất, toàn thểmà chúng ta thường nghe nam trung bắc kỳ, tiểu quốc Thanh Hóa, vua Mèo…. Do đó những sách lược vĩ mô của quốc gia khó thực hiện được đến nơi đến chốn, điều này một phần cũng vì Huyền Vũ đã xa lại yếu chứ không được cao dày nên Minh chủ thiếu uy quyền, trên ban ra một đằng dưới thường mạnh ai nấy làm một nẻo hoặc làm đối phó mà sinh ra nhiều sai lầm, tiêu cực. Tính chất Huyền Vũ này còn tạo ra một điều là thời gian trị vì của những người làm chủ Thăng Long không lâu, tính chất truyền nối ít mà phụ thuộc nhiều vào Long Hổ. Thời chiến thì thường minh chủ là những người xuất phát từ Bạch Hổ (ngánh Võ) như Hồ Chủ Tịch, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp (không phải tổng bí thư nhưng được xem như lãnh tụ quân sự đất nước), còn thời bình thì thường Thanh Long (ngánh Văn) và vùng Minh đường làm chủ như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm. Hầu hết những người làm chủ Thăng Long xuất thân đều bậc trung chứ ít người sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt truyền đời, những vị này tính tự lập rất cao, rất can trường đó là ứng với thế Huyền Vũ không cao dày và ở xa huyệt chủ. Thường những minh chủ hay đại quan ở đất Thăng Long chỉ phát 1 đến 2 đời chứ không truyền thừa được lâu, do đó chúng ta thường thấy con cháu những vị minh chủ đất Thăng Long không kế tục được sự nghiệp lừng lẫy từ đời trước.
Không chỉ huyệt chủ Thanh Long mà đa phần các đại bàng huyệt khác ở nước ta đều có tình trạng “trưởng bại thứ phát” vì Bạch Hổ quá vượng so với Thanh Long, Bạch Hổ ứng với ngành thứ, con gái, Thanh Long ứng với ngành trưởng. Trên đại cuộc thì đất nước ta và những vị làm chủ Thăng Long thường không giàu bởi vì có (5), Sơn quản nhân đinh Thủy quản tài, nên dù Long Hổ vượng mà Minh Đường không tụ thủy nên nước ta khó giàu và những vị làm chủ Thăng Long cũng không giàu. Cụ Tả Ao từng nói: Nước chẳng tụ Minh đường kể chi / Kiếm ăn cũng khá xong thì lại không.

Điều này cũng dễ thấy rằng các nhân sỹ Thăng Long xưa nay đều trọng nghĩa khinh tài, đề cao chữ quý, giữ chữ thanh danh. Tuy nhiên bù lại thì ngoại Minh đường (7) là Biển, Vịnh đẹp nên muốn tài phú thì phải tìm cầu từ bên ngoài, thu hút từ bên ngoài đất nước đưa tới nên xuất khẩu lao động, các nguồn đầu tư từ nước ngoài là những chính sách đúng đắn về phát triển kinh tế cho đất nước. Trong thời chiến “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng” nên đất Việt dù nhỏ bé nhưng lại là vô địch, đó là mạnh. Còn thời bình thì phải hiểu rõ năng lực, sở trường, nền tảng của ta để phát triển mà giàu lên, muốn được vậy phải hiểu rõ non sông, khí mạch, địa thế đất nước ta ra sao để mà “thuận tự nhiên” vì suy cho cùng thì “mạnh vẫn chi phối yếu” tức tự nhiên vẫn chi phối con người chúng ta, ngày xưa chiếu chỉ mở đầu thường viết “thuận thiên hành đạo hoàng đế chiếu viết” là vì thế. Mạnh mà không giàu thì không có vị thế, vừa mạnh vừa giàu thì vừa có thế lại có lực trước để giữ mình sau là để khai phá giang sơn.

 Tiến Lưu

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *