{"autoplay":"true","autoplay_speed":"3000","speed":"300","arrows":"true","dots":"true","rtl":"false"}

KIẾN TRÚC – BỨC TRANH CỦA THỜI ĐẠI VÀ TƯƠNG LAI

Kiến trúc không đơn thuần chỉ là phục vụ nhu cầu nhà ở, sinh hoạt, quy hoạch chú trọng chính yếu về mặt công năng, thẩm mỹ, giao thông mà Kiến Trúc còn có ngôn ngữ riêng, nó thực sự rất hay, tôi không phải là một nhà Kiến trúc chuyên nghiệp nên tôi tiếp cận kiến trúc bằng Phong thủy và tôi chủ quan cho rằng chỉ có Phong thủy mới có thể hiểu được rốt ráo ngôn ngữ Kiến trúc và đưa nó lên đỉnh cao một cách nhanh nhất đối với một đất nước có nền tảng thấp như nước ta.

Nếu hiểu được ngôn ngữ của Kiến trúc thì chúng ta có thể nhận biết được rất nhiều thông tin, nhỏ thì tình hình cuộc sống, tính cách, ý chí, sức khỏe, hôn nhân, gia đạo, tương lai của một gia đình. Lớn thì có thể biết được tình hình phát triển kinh tế, chính trị, tư tưởng, ý thức hệ và tiên tri được tương lai của vùng miền, đất nước từ đó giúp các nhà Kiến trúc thiết kế nên những căn nhà không chỉ đẹp – tiện – mà còn “tốt” để gia đình đó phát triển ổn định, hạnh phúc, an vui. Nhiều căn nhà như vậy ra đời không chỉ giúp cho nhiều gia đình đó có cuộc sống tốt, nhiều doanh nghiệp thành công mà còn giúp cho đất nước thêm sự ổn định, phát triển bền vững hơn vì mỗi gia đình là tế bào của đất nước, tế bào khỏe mạnh thì đất nước cũng khỏe mạnh thêm. Cao hơn nữa là giúp các nhà quy hoạch ở tầm vĩ mô tạo nên một cơ sở hạ tầng không chỉ đáp ứng tốt cho hiện tại mà định hướng cho tương lai phát triển của cả một đất nước. Quy luật là ý thức sinh ra vật chất (công trình, nhà cửa), vật chất lại định hướng, quyết định sự tiến hóa của ý thức.

Kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại nói chung và của từng đất nước nói riêng, tùy theo đặc điểm địa lý địa hình mà hình thành nên phương thức sản xuất, lối sống, văn hóa khác nhau và Kiến trúc gắn liền với những yếu tố đó xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất đó. Những vùng địa lý khác nhau sẽ có lối kiến trúc khác nhau thể hiện rõ đặc điểm tính chất vùng địa lý đó, kể cả Kiến trúc du nhập nó cũng sẽ không bao giờ giống nguyên bản mà sẽ có biến tấu để phù hợp với lối sống, đặc tính văn hóa của vùng đất, đất nước đó.
Việt Nam ta là đất nước có địa hình lồi lõm, đồi núi thì nhiều mà đồng bằng thì ít, sông ngòi đầm phá chia cắt mạnh thành ra đặc tính vùng miền rất cao lại đa tôn giáo, đa dân tộc, trong khi xuất phát điểm thì thấp còn bị chiến tranh tàn phá hàng ngàn năm, kiểu như đã nhỏ con ốm yếu lại còn bị đánh cướp liên miên đến mức miếng ăn còn khó lo thì lấy nội lực đâu ra mà cho ra những di sản văn hóa, kiến trúc đồ sộ, tầm ảnh hưởng lớn như các nước Châu Âu. Khi không tự sản sinh ra được lối Kiến trúc phù hợp với giai đoạn lịch sử mới thì phải chấp nhận du nhập Kiến trúc từ ngoài vào để tồn tại và phát triển thôi, điển hình là lối Kiến trúc Tân cổ điển từ phương Tây.

Lối kiến trúc này xuất phát từ Châu âu, nơi mà các nước có địa hình cao ráo, bằng phẳng, dày, vóc dáng con người to lớn, thể trạng khỏe mạnh, nền tảng xã hội sâu dày, nền văn minh lâu đời, nền kinh tế hùng mạnh đã hình thành nên lối kiến trúc Cổ điển, Tân cổ điển mang tính chất đồ sộ, dày dặn, to lớn, có phần nặng nề nhưng tinh xảo, tráng lệ không kém thể hiện tinh hoa của cả nền văn minh phương Tây và lịch sử lâu đời của nó.
Khi du nhập vào Việt nam với tính chất địa lý, xuất phát điểm, thể trạng như trên thì làm sao mà lối Kiến trúc này có thể giữ nguyên được các tiêu chuẩn, tính chất nguyên bản đặc thù như nơi nó sinh ra được, chắc chắn nó phải có biến tấu để phù hợp mà với đặc điểm của nước ta, nó không những biến tấu nhẹ mà còn trở nên tạp đôi khi giống như nồi lẩu thập cẩm vì đặc tính vùng miền cao, con người cá tính, quy hoạch chưa phát triển. Chính vì lẽ đó nên tôi chủ quan cho rằng, chúng ta nên có cái nhìn thực tế để dễ dàng chấp nhận hơn các lối Kiến trúc du nhập, kể cả việc lai tạp, biến tấu vì nó là việc làm tất yếu để nâng tầm bản thân, hội nhập với thế giới cũng như là để tạo nên bản sắc riêng dựa trên tinh hoa nhân loại, giờ thì có thể là nồi lẩu thập cẩm nhưng biết đâu đến lúc sẽ thành đặc sản trứ danh và việc của chúng ta là chấp nhận đi mượn, chấp nhận tạp ở giai đoạn đầu, còn lại là vấn đề của lịch sử, của thời gian.

Nói vậy không có nghĩa là Kiến trúc nước ta không có gì đặc sắc, nó có đặc sắc, có tinh hoa và nét độc đáo riêng mà Kiến trúc hiện nay còn kế thừa nhiều đặc điểm đó, nhà ba gian là một trong những lối Kiến trúc tinh hoa, đặc sắc đó của Dân tộc ta, dù giờ nó đang dần nhường chỗ cho kiến trúc hiện đại nhưng cái hồn và tinh túy của nó thì vẫn nguyên giá trị.

Tiến Lưu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *