PHONG THỦY MÁI NHÀ
Kiến trúc phản ánh từng giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử, gắn liền với sự thay đổi của đời sống, tính cách, phong tục của người dân. Ngày xưa thời phong kiến và bao cấp, hầu hết nhà cửa dân dụng đều theo hình thức nhà có mái nhọn bao trùm toàn bộ diện tích nhà, nhưng mái hơi nặng nề, trùm quá kín nên thể hiện xã hội thời bấy giờ rất chú trọng đến gia giáo, nền tảng gia đình nhưng cố chấp, bảo thủ, cộng thêm Bếp thường được làm tách khỏi nhà chính thành gian nhỏ nằm riêng biệt nên thể hiện thêm một xã hội trọng nam khinh nữ, giáo điều.
Ngày nay thời kỳ đổi mới nên kiến trúc cũng phát triển đa dạng với đủ loại hình dáng nhà và mái mà không quy hoạch đồng bộ, thống nhất được như các nước khác như Nhật, Hàn, Châu âu nên mạnh ai nấy làm, thích sao làm vậy, điều này về mặt trực quan nó phản ánh xã hội nước ta ý thức hệ, dân trí không đồng đều, khoảng cách giàu nghèo lớn. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do địa hình và vị trí địa lý. Chính Địa hình sẽ quy định những hình thái phát triển trên nó nên mỗi nước có một thể chế, phong cách, kiểu kiến trúc riêng mà không nước nào giống nước nào. Nước ta Âm khí yếu, Dương khí lại tản mác khắp nơi, địa hình cao thấp không đồng đều, đồi núi, đầm phá thì nhiều mà diện tích đồng bằng thì lại ít nên mọi thứ phát triển trên nó cũng sẽ không đồng đều như các nước có địa hình cao và bằng phẳng được.
Tựu chung lại thì có các loại mái phổ biến ở nước ta như sau:
– Mái nhọn truyền thống
– Mái bằng
– Mái lệch
– Nhà nhiều mái
– Mái vòm
– Mái nhọn vút lên
Theo nguyên lý Âm Dương thì mái nhà là Dương so với phần thân nhà là Âm, tượng trưng cho người Cha trong gia đình, chính vì vậy mà ngày xưa các Cụ đã khái quát tính quan trọng của mái nhà qua các câu thành ngữ như “con không cha như nhà không nóc” hay “nhà dột từ nóc”…do đó những khiếm khuyết, xung phạm về phần mái nhà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người Cha và gián tiếp đến các thành viên còn lại trong gia đình.
Mỗi loại mái đều phản ánh những điều khác nhau về quá khứ, tương lai của gia chủ và có những ưu nhược điểm riêng, tùy từng hoàn cảnh, mong muốn phát triển của mỗi người mà bố trí một loại mái riêng thích hợp. Ví dụ gia đình làm công chức, chú trọng nền tảng, gia giáo thì bố trí mái nhọn trùm nhà; gia đình tư tưởng cởi mở và mong muốn con cái thành công nơi đất người thì bố trí mái nhọn nhưng không trùm kín hoặc bố trí kiểu Bốc tinh phòng (có mái con trên mái chính). Tuy nhiên xét địa hình nước ta thì các loại mái như mái bằng, mái gãy, mái lệch, mái chồng mái, mái nhọn vút lên là những loại mái không nên dùng vì không phù hợp, nếu dùng thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả xấu như tình duyên, sự nghiệp gia chủ dễ gãy đổ, sức khỏe kém, dễ bị bệnh hiểm nguy như tai biến, đột quỵ. Đặc biệt hiện nay loại mái có các lam nhọn ngang dọc để trang trí, nhìn đẹp đâu không thấy nhưng về mặt Phong thủy thì nó sẽ gây ra những tai hại cho chủ nhà về sau.
Mái nhà không được nặng nề quá cũng không được mỏng manh quá, mái phải chỉn chu cân đối chứ không nên làm lệch lạc, hình thù kỳ dị, cũng không nên làm dốc quá và điều đặc biệt là nên bố trí các ô thông gió cho mái, không nên làm kho trên gian mái mà phải đảm bảo cho gian mái sạch vì mái như cái đầu, nếu bẩn và bế Khí thì đầu óc cũng sẽ không thông, dễ sinh bệnh về đầu như ung thư, xuất huyết não.
Trên đây là những khái quát về mái nhà để các bạn tham khảo khi làm nhà để tránh những tác hại xấu về sau, mặc dù sự việc xấu xảy ra không nhất định là chỉ do cái mái nhà mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng trên đời này không có gì là ngẫu nhiên cả nên một cái nhà xuất hiện cái mái xấu thì cũng cho thấy căn nhà đó có những yếu tố sai phạm khác đi kèm và cái mái là một trong những nguyên nhân khiến sự việc xấu xảy và việc vì sao lại xuất hiện cái mái nhà xấu thậm chí cả một vùng mái nhà đều xấu thì không phải ai cũng hiểu được.
Tiến Lưu