SÂN LỢP MÁI TÔN DƯỚI GÓC NHÌN PHONG THỦY
Thuở ấu thơ của các thế hệ đầu 9x trở về trước, chắc hẳn không ai có thể quên những năm tháng gắn bó tuổi thơ bên góc sân nhà. Từ những bước đi tập tễnh cho đến lúc trưởng thành, góc sân đã trở nên quá đổi quen thuộc đến độ thân thương khi nó dung chứa cả một bầu trời tâm hồn mà nó làm chất liệu cho việc hình thành tính cách chúng ta sau này. Những đêm hè nằm ngắm sao, trăng trên chiếc chõng tre, bên cạnh phe phẩy cái quạt mo của cha,mẹ hoặc ông bà, những câu chuyện cổ tích cho đến những bài học làm người được nghe từ ông bà cha mẹ trong những đêm hè trăng sáng lung linh đó. Rồi vào mỗi buổi chiều lũ trẻ tụ tập bên góc sân với bao trò chơi râm ran tiếng cười đùa, rồi những hạt thóc luống rơm ngày mùa thơm mùi đặc trưng cho ta thấu hiểu thêm nỗi vất vả của Cha Mẹ. Nhiều, rất nhiều những kỷ niệm khó có thể kể ra hết được.
Vậy đấy, ngày xưa cái sân nó như vậy. Nó nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ trẻ thơ như vậy đấy. Để rồi khi lớn lên trong tâm hồn mỗi con người đều mang trong đó những tình yêu thương-tình yêu quê hương, gia đình, người thân, tình bạn bè. Cứ vậy nó ngấm sâu vào tâm hồn như một sự bình dị, lặng lẽ đặc trưng giúp hình thành nên dân tộc tính của người Việt.
Quả thực, về góc độ kiến trúc thì cách bố trí nhà ở truyền thống xưa đúng là có rất nhiều giá trị quý báu mang tính vĩ mô ảnh hưởng rộng khắp lên biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Với cách bố trí cổng đến sân rồi tới hiên nhà mới đến nhà rồi ra vườn sau. Thường khoảng sân sẽ được ông cha ta ưu tiên với một diện tích lớn tương đương hoặc lớn hơn diện tích nhà, về góc độ phong thủy thì cách bố trí như trên đã tạo nên một sự “hài hòa” âm dương tuyệt vời, trong đó cái sân vừa đóng vai trò tích chứa Dương khí để cung cấp cho căn nhà vừa có vai trò thanh lọc Khí và giúp điều hòa khí hậu cho khu nhà. Chính vì nó tích chứa Dương khí nên mới nói nó có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn vì Dương chủ về trí tuệ, tư tưởng, suy nghĩ, văn hóa… Hơn nữa chính cách bố trí để dẫn khí qua nhiều nấc – Khí vào qua cổng qua sân, qua mái hiên rồi mới vào nhà đã giúp cho dòng Khí bác hoán nhiều lần mà bớt đi sự thô trọc, cương cường khi lan tỏa vào ngôi nhà. Chính vì vậy mà tính cách người việt luôn mang nét thanh tao, bình dị, sâu sắc, hiền hòa ít bị xô bồ theo thời thế và cuộc sống ồn ào-một tính cách đặc trưng và quý giá của người dân Việt ta.
Thế nhưng, theo thời gian thì lối kiến trúc truyền thống đó đang dần bị biến tấu, thay đổi đi rất nhiều. Bây giờ đất không còn nhiều như ngày trước, vườn không còn lắm cây xanh, sân cũng ko còn rộng như xưa nữa. Thay vào đó là nhà sát nhà, sân kề sân, cổng nối cổng tách biệt các nhà với nhau tạo nên một không gian sống hạn chế, chật chội, thiếu sự gắn kết. Hơn nữa, với việc quỹ đất ngày càng bị thu hẹp cộng với khí hậu nóng ẩm của nước mình, đặc biệt là ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ thì giải pháp để hạn chế nắng nóng được phổ biến rộng rãi là lợp mái tôn sân nhà. Về mặt công dụng thì mái tôn giúp hạn chế bớt sự nắng nóng gay gắt và che mưa để tiện sinh hoạt. Nhưng về góc độ phong thủy thì nó hoàn toàn trái ngược với công dụng của sân nhà truyền thống xưa. Thay vào khoảng sân thoáng đãng ấm cúng, gió thổi, trăng sao soi rọi đẹp đẽ thơ mộng thì là một khoảng sân vốn đã chật hẹp nay lại trở nên tù túng, bức bí, thiếu tầm nhìn, không có sự giao thoa với thiên nhiên bên ngoài. Chính những điều này sẽ tác động mạnh tới việc hình thành tính cách con trẻ và tâm tư của người lớn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Trẻ con sẽ ngày càng trở nên thụ động, lười biếng, tâm hồn cằn cỗi, thiếu bản năng sống, nóng nãy, thiếu sự bao dung và thấu hiểu do sinh hoạt trong không gian tù túng, chật chội, cách biệt với thiên nhiên đó. Chính những điều này sẽ góp phần vào việc hình thành tính cách của chúng sau này, điều đó thật là đáng lo ngại biết bao khi lớn lên tâm hồn của chúng dễ bị lệch lạc, vô cảm dễ bị sa ngã bởi những cám dỗ cuộc đời. Mặc dù còn nguyên nhân từ xã hội, thời thế nhưng nguyên nhân quan trọng chính là từ giáo dục của gia đình, mà môi trường ra sao thì con người như vậy nên chúng ta cứ thử suy nghiệm xem tính cách, cách sống, tình trạng trẻ con hiện nay như thế nào khi sống trong một không gian chật chội, tù túng, bức bí, thiếu ánh sáng thiếu sự thoáng đãng, giao hòa với thiên nhiên cũng bởi mái tôn che mất sân nhà như vậy.
Không những chỉ trẻ con mà người lớn cũng sẽ cảm thấy áp lực, thiếu nhẫn nại, thiếu sự kiên trì, lười biếng, ưa hưởng thụ và cuộc sống sẽ trở nên bức bối, khó chịu hơn. Vì sân là nơi tích chứa, thanh lọc Dương khí từ bên ngoài vào và Dương khí từ Vũ trụ giáng xuống và cũng là không gian kết nối giữa căn nhà với thiên nhiên mà Dương khí chủ về cơ hội, mối quan hệ, tiền bạc….nay vì lợp tôn kín mít nên nó không còn là “trung minh đường”nữa mà sẽ trở thành “nội minh đường” lâu ngày sẽ khiến cho Dương khí bị dồn nén, thiếu sự lưu thông và không dc thanh lọc nên căn nhà sẽ dễ bị bế khí đặc biệt với những căn nhà không có sân sau, giếng trời. Vì vậy nên dễ dàng nảy sinh những tác động xấu đến tính cách cũng như cách thức làm ăn của gia chủ như thích làm ăn mờ ám, ham hưởng thụ, lười lao động, muốn giàu nhanh từ đó sẽ đưa gia chủ đến con đường vướng mắc pháp luật, tai tiếng do làm ăn thiếu minh bạch, thậm chí lừa đảo như chơi hụi, bán hàng đa cấp, tín dụng đen…do tham lam, thiếu minh mẫn mà mất mất kiểm soát tài chính dẫn đến bị lừa đảo, vỡ nợ, giựt nợ…đặc biệt ở những vùng quê, nền tảng âm khí yếu, suy thoái thì thực trạng trên diễn ra rất nhiều khiến cho xã hội mất ổn định, đời sống người dân bị xáo trộn, phẩm chất con người suy thoái, xã hội thiếu niềm tin. Và chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến, suy nghiệm thực trạng này ngay chính nơi mình sinh sống nếu diễn ra tình trạng sân lợp mái tôn kín mít.
Cái sân, hãy cố gắng chừa cho căn nhà chúng ta một khoảng sân và đừng lợp tôn kín nó. Nó sẽ mang lại cho cuộc sống gia đình những cơ hội, mối quan hệ và giá trị lâu dài mà tiền bạc cũng không mua được. Nó chính là món quà quý giá mà cha ông chúng ta để lại qua kinh nghiệm làm nhà và là món quà đặc biệt mà tự nhiên ban tặng cho chúng ta.
Tiến Lưu